Qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy ưu điểm nổi trội của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trong dạy học là giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Những ngân hàng dữ liệu kiến thức khổng lồ và đa dạng được kết nối với nhau đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn giảng của giáo viên. Ngoài ra, các thầy cô không chỉ bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như toán học, địa lý… và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng. Với môi trường đa phương tiện đã phát huy một cách tối đa giác quan của người học. Những thí nghiệm, tài liệu được cung cấp bằng nhiều kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động làm cho học sinh dễ thấy , dễ tiếp thu. Nhờ ứng dụng CNTT vào giảng dạy, giáo viên chủ động hơn trong kế hoạch bài giảng của mình, dễ dàng tìm kiếm các tài nguyên phục vụ bài giảng, tạo mạch liên kết giữa các đơn vị kiến thức tự nhiên, hợp lý hơn.
1. Thực trạng học sinh học Tin học hiện nay ở trường:
a. Thuận lợi:
- Về địa phương: Chính quyền địa phương rất quan tâm, chú trọng đến đầu tư phát triển giáo dục, luôn sẵn sàng kết nối với trường học để thực hiện song hành công tác dạy và học.
-Về Ngành Giáo dục: Được sự quan tâm của ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới phương pháp dạy học.
- Về nhà trường: Hằng năm, Nhà trường vẫn luôn quan tâm đầu tư và sửa chữa kịp thời máy móc hư hỏng để phục vụ cho việc dạy học bộ môn. Đến nay, trường cũng đã có 1 phòng máy gồm 25 máy chạy ổn định và kết nối Internet phục vụ cho nhóm chuyên môn và GV hoàn thành tốt công việc giảng dạy và các HS thực hành ở các khối 6,7,8,9.
- Về GV: Đội ngũ GV nhà trường nhiệt huyết năng động trong công việc, dễ dàng nắm bắt và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. GV giảng dạy được đào tạo theo đúng chuyên ngành và được bồi dưỡng chuyên môn hằng năm. GV được tập huấn đầy đủ nội dung chương trình sách giáo khoa mới, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS theo CT GDPT mới 2018.
- Về HS: Phần lớn các em HS có ý thức tự học cao, luôn tìm tòi học hỏi những kiến thức mới trong học tập và rất hứng thú với bộ môn Tin học.
- Về phụ huynh: Trong những năm gần đây, phụ huynh luôn quan tâm đến tình hình học môn Tin học của con em mình, rất nhiều gia đình tạo điều kiện mua máy vi tính cho con em có thời gian thực hành tại nhà và tra cứu thông tin phục vụ cho học tập..
b. Khó khăn :
- Về địa phương : Khu vực xã Phước Đồng có địa bàn dân cư khá rộng, dân cư đông, phức tạp, sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của địa phương vẫn còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho việc phổ cập, phát triển giáo dục, chính quyền địa phương chưa quản lí chặt chẽ các điểm kinh doanh Internet, game, bida và các điểm dịch vụ buôn bán hàng quán gần trường làm HS xao nhãng học tập.
- Về nhà trường :
+ Các chuyên đề sinh hoạt ngoại khóa, các hình thức vui chơi giải trí kết hợp với học tập chưa phong phú đa dạng, việc tổ chức thảo luận các chuyên đề trường học kết nối cho các GV dạy Tin trong từng năm để nâng cao chất lượng dạy học chưa thực sự có hiệu quả cao.
+ Số lượng HS trong một lớp học còn quá đông hơn 40 HS một lớp, diện tích phòng máy nhỏ hẹp, phòng máy có 25 máy nhưng thường hay hư hỏng, thiết bị hỗ trợ thường bị hư hao, không khí trong phòng máy không thoáng mát làm cho HS không tập trung vào bài giảng ... ảnh hưởng rất lớn trong quá trình giảng dạy và học tập. Có nhiều máy tính vẫn còn đang sử dụng hệ điều hành cũ chưa phù hợp với với sự thay đổi theo chương trình sách giáo khoa mới của chương trình GDPT mới 2018. Phòng máy chưa trang bị cho HS tai nghe (headphone) và micro, chính vì vậy GV và HS phải tự trang bị cho mình để dạy và học.
+ Phương tiện dạy học: Môn Tin học là môn học bắt buộc trong nhà trường theo chương trình GDPT 2018 nhưng tài liệu tham khảo còn ít so với thực tế. Nguồn tài liệu dựa trên sách giáo khoa và sách bài tập là chưa đủ, môn Tin học thường xuyên cập nhật những nội dung, kiến thức mới mẻ liên tục và thường xuyên, buộc GV cũng phải tự vận động và thay đổi theo. Công cụ trực quan bằng hình ảnh còn ít, phần mềm thường xuyên cập nhật những phiên bản mới, nếu chỉ sử dụng giáo án và bài giảng điện tử thì còn quá nghèo nàn. GV thường xuyên phải đi sưu tầm tài liệu, kiến thức từ trường khác hoặc các tài liệu từ Internet.
- Về GV : Do tăng HS dẫn đến tăng lớp nên Nhà trường phải hợp đồng GV bộ môn Tin học. Các GV hợp đồng chủ yếu là các GV trẻ, mới ra trường nên còn thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy, chưa quan tâm thực sự đến chất lượng bộ môn vì suy nghĩ không gắn bó lâu dài, dạy hết hợp đồng rồi thôi.
- Về HS :
+ Đa số học sinh là con em gia đình làm nghề tự do hoặc buôn bán, điều kiện kinh tế có nhiều hạn chế nên sự quan tâm của phụ huynh đến việc học tập của con em chưa nhiều. Phụ huynh cũng ít có điều kiện chăm sóc, giáo dục ý thức nhất là ý thức bảo vệ tài sản công cho Nhà trường và định hướng cho con em trong việc học tập và lựa chọn nghề phù hợp.
+ Một số HS chưa coi trọng môn học, xem đây là một môn phụ nên chưa có sự đầu tư thời gian cho việc học. Ngoài ra, ở chương trình Tin học 6, các em phải làm quen, tiếp cận với các ứng dụng, các từ ngữ bằng tiếng Anh – đây cũng là một trong những khó khăn của các em.
+ Đa số HS không có máy tính ở nhà nên thời gian thực hành trên lớp các em bị mất nhiều vì chưa biết sử dụng máy tính như thế nào, có nhiều HS không biết cách khởi động phần mềm, tắt - khởi động máy tính hoặc mở - tắt chế độ gõ Tiếng Việt…
+ Sự nắm bắt kiến thức của HS chưa đồng đều dẫn tới việc chỉ có một số ít xác định được đúng đắn mục đích học tập, chủ động, tích cực trong quá trình học.
2. Một số kinh nghiệm khi sử dụng Nearpod tạo hứng thú học môn Tin học cho học sinh thông qua hoạt động luyện tập, ôn tập.
a) Đối với giáo viên
– Người giáo viên phải có kiến thức chuyên môn thực sự vững vàng, nắm vững kiến thức trọng tâm của bài học, phương pháp học tập mới phù hợp với đặc trưng bộ môn đặc biệt là ở chương trình giáo dục tổng thể 2018. Để có được điều này thì giáo viên phải thường xuyên tích luỹ kiến thức, học hỏi phương pháp, kinh nghiệm từ đồng nghiệp là những người đi trước, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ bản thân.
– Trong quá trình đứng lớp giáo viên luôn lồng ghép, tổ chức các hoạt động phù hợp với các hoạt động luyện tập, ôn tập:
+ Lồng ghép trò chơi Time to Climb ( Nearpod), Quizizz, Kahoot… trong hoạt động củng cố với các câu hỏi trắc nghiệm. Khi tham gia trò chơi trực quan này các em sẽ nhìn thấy được kết quả của mình vừa nhìn thấy cả kết quả của các bạn sau mỗi câu trả lời, chính điều này sẽ kích thích sự hứng thú ở các em. Trò chơi này làm tăng tính cạnh tranh giữa các em trong quá trình tham gia trả lời câu hỏi, tăng sự tương tác giữa HS với bài học, giúp các em khắc ghi kiến thức tốt hơn.
+ Lồng ghép các trò chơi theo nhóm trên lớp học kết hợp âm nhạc, hình ảnh( như Du lịch cùng Doreamon, Hộp quà may mắn, Phân loại rác)…, gần gũi với thực tế để tạo được không khí lớp học sôi nổi, học sinh tích cực tham gia vào việc chiếm lĩnh kiến thức.
+ Thêm hoạt động Open Ended Question để thiết kế hoạt động luyện tập.
- Tạo ra những buổi ngoại khoá tin học để các em phát huy được khả năng cũng như năng khiếu của mình đối với môn học.
- Việc dạy học thông qua các dự án, bài tập giải quyết vấn đề cụ thể, thiết thực, nhằm khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng các môn học áp dụng công nghệ số để hiểu và giải quyết vấn đề thực tế trong môi trường số, sáng tạo ra các sản phẩm của cá nhân, của nhóm.
- Giúp học sinh định hướng lựa chọn đúng nghề nghiệp trong lĩnh vực tin học và ứng dụng tin học theo sở trường và khả năng của học sinh.
- Những điều GV nên lưu ý khi áp dụng các phần mềm hỗ trợ vào tiết dạy:
+ Nên thiết kế bài giảng điện tử phù hợp với mỗi bài khác nhau. Theo đó, một số bài giảng không thể học hoàn toàn toàn trên bài giảng điện tử mà có thể kết hợp linh hoạt với các bài thực hành thực tế để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nắm bắt kiến thức.
+ Không lạm dụng video, hình ảnh quá mức vào bài giảng tránh làm mất sự tập trung.
+ Không sử dụng quá nhiều hoạt động trong cùng một bài giảng.
+ Chọn hình nền, phông chữ đơn giản, dễ nhìn.
+ Kết hợp cả hai phương thức dạy học truyền thống bằng bảng đen vào những bài giảng có ứng dụng công nghệ.
+ Hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ thông tin bằng nhiều cách khác nhau. Cách nổi bật nhất là đưa ra bài tập và hướng dẫn học sinh thiết kế - làm bài có ứng dụng công nghệ thông tin, sau đó trình chiếu trước lớp.
b) Đối với học sinh:
– Cần phải bồi dưỡng hứng thú và tính tích cực, độc lập nghiên cứu của học sinh. Tìm ra được phương pháp học tốt nhất đối với môn học, thấy được tầm quan trọng của các kiến thức môn học đối với đời sống.
– Tạo được niềm đam mê, yêu thích bộ môn tin học đối với học sinh và lan tỏa niềm đam mê trong các khối, lớp học.
– Môn tin học là một môn khoa học với tinh thần giáo dục chính là khuyến khích làm ra các sản phẩm cụ thể từ kiến thức môn học của mình. Tin học là môn học có tính thực hành rất cao: lý thuyết luôn đi đôi với thực hành, đòi hỏi người giáo viên cũng cần kiên trì và khích lệ, khơi gợi được sự hứng thú tích cực cho học sinh trong quá trình học.
( Tác giả: Cô Cao Thị Bích Lan - Trường THCS Lam Sơn)