Đối với nhà trường, chất lượng học sinh giỏi khẳng định xu thế phát triển, khẳng định được chất lượng dạy của thầy và chất lượng học của trò. Bên cạnh đó chất lượng học sinh giỏi còn khẳng định thương hiệu của nhà trường và uy tín đối với các cấp quản lí, đặc biệt là đối với nhân dân địa phương.
1. Thực trạng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường:
a. Thuận lợi :
- Về địa phương: mặc dù địa bàn ngoại thành nhưng chính quyền địa phương rất quan tâm, chú trọng đến đầu tư phát triển giáo dục đặc biệt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
- Về nhà trường: ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo sát sao và xem như công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là mục tiêu hàng đầu. Các đồng nghiệp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.
- Về bản thân: là giáo viên có nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn, luôn quan tâm giúp đỡ các em học sinh.
- Về học sinh: học sinh chăm ngoan, có kĩ năng giải toán hóa học và đặc biệt là rất yêu thích bộ môn hóa học.
b. Khó khăn :
- Về địa phương: khu vực nhiều dân nhập cư nên tình hình kinh tế - xã hội rất phức tạp. Tình hình dân trí thấp, dân cư đông , thất nghiệp do dịch covid-19 ngày càng nhiều ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư cho giáo dục.
- Về nhà trường: trường có đầu tư công tác bồi dưỡng học sinh giỏi dàn trải đều ở các môn nên hiệu quả chưa cao.
- Về bản thân: giáo viên dạy bồi dưỡng đội tuyển vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn và công tác kiêm nhiệm . Do vậy việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng có phần bị hạn chế. Ngoài ra, nhà ở xa trường cũng ảnh hưởng đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
- Về học sinh và phụ huynh học sinh:
+ Số lượng học sinh giỏi nhà trường còn thiếu về lượng lẫn về chất so với các học sinh các trường nội thành.
+ Một số học sinh tham gia học bồi dưỡng chưa cố gắng nhiều, chưa thực sự yêu thích môn học nên kết quả thi học sinh giỏi chưa cao.
+ Một số ít phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, khi nhà trường chọn vào đội tuyển lại chưa quan tâm cho đi bồi dưỡng.
Những khó khăn đó đã làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường:
a) Đối với giáo viên dạy bồi dưỡng:
– Người giáo viên phải có kiến thức chuyên môn thực sự vững vàng, không chỉ nắm chắc nội dung chương trình mà phải biết mở rộng, nâng cao hệ thống kiến thức một cách logic, từ đó làm học sinh nể phục, tin tưởng vì học sinh thời nay rất năng động, nhiều hs có kiến thức tốt. Khi giải đáp những thắc mắc của các em, chỉ cần học sinh không thoả mãn là người thầy sẽ mất đi sự tự tin trước học sinh. Để có được điều này thì giáo viên phải thường xuyên tích luỹ kiến thức, học hỏi phương pháp, kinh nghiệm từ đồng nghiệp là những người đi trước, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ bản thân.
– Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi thì khâu đầu tiên là khâu tuyển chọn học sinh, thông qua việc trao đổi với giáo viên giảng dạy trước đó để lựa chọn những em có khả năng, tư chất, trí tuệ, tính sáng tạo, đặc biệt đam mê và yêu thích môn học vào đội tuyển.
– Lập kế hoạch bài dạy theo các chuyên đề cụ thể tránh tình trạng thích đâu dạy đó. Dạy theo chuyên đề là biện pháp mà cá nhân tôi thấy đó là hữu hiệu nhất. Ngoài ra cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong việc dạy đối tượng học sinh giỏi để tạo mọi điều kiện giúp các em phát huy hết năng lực của mình.
– Thực hiện phương châm: dạy chắc cơ bản rồi dạy nâng cao, thông qua những bài luyện cụ thể để dạy phương pháp tư duy, dạy kiểu dạng bài có quy luật, loại bài có tính đơn lẻ rồi luyện các dạng tổng quát. Trong mỗi bài tập cần đưa ra nhiều câu với mức độ từ dễ đến khó, ta nên đưa các câu vận dụng vào thực tế để các em hiểu rõ đây là câu vận dụng tích hợp. Sau mỗi bài tập nâng cao giáo viên cần đưa ra phương pháp giải hoặc những lưu ý nhằm học sinh tự khắc sâu kiến thức để cách trình bày được lập luận lôgic hơn.
– Sau mỗi chuyên đề cần có bài kiểm tra đánh giá theo các mức độ để nắm bắt được việc học tập của học sinh. Những bạn nào học chưa cố gắng, thường xuyên không hoàn thành các bài tập sẽ bị giáo viên nhắc nhở hoặc có thể loại khỏi đội tuyển.
– Những việc giáo viên nên tránh:
+ Tránh nôn nóng, bỏ qua bài tập cơ bản, cho ngay bài khó, học sinh mới đầu đã gặp ngay một “mớ bòng bong”, không nhận ra được nên bắt đầu từ đâu hoặc việc ghi nhớ từng đơn vị kiến thức kỹ năng dễ lộn xộn hay kết quả là không định hình được phương pháp từ đơn giản đến phức tạp, càng học càng hoang mang.
+ Tránh coi những bài đơn lẻ không có quy luật chung là quan trọng, cho học sinh làm nhiều hơn những bài có nguyên tắc chung (coi những bài đó mới là “thông minh”), kết quả là học sinh bị rối loạn, không học được phương pháp tư duy theo kiểu đúng đắn khoa học
+ Không nên để học sinh tâm lý trọng thi cử và không nặng thành tích đối với HS dẫn đến học sinh bị áp lực từ nhiều phía.
b) Đối với nội dung, tài liệu bồi dưỡng:
– Giáo viên cần biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng chuyên đề, bồi dưỡng theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để các em HS bắt nhịp dần.
– Xác định rõ trọng tâm kiến thức giảng dạy. Chương trình bồi dưỡng cần có sự liên thông , kết nối kiến thức của các chuyên đề với nhau .
– Giáo viên sưu tầm bộ đề thi đa dạng nhằm giúp hs tiếp xúc làm quen với các dạng đề, luôn tìm đọc, tham khảo các tài liệu hay định hướng cho học sinh.
– Giáo viên hướng dẫn học sinh các tài liệu, sách vở, phù hợp với trình độ của các em để tự rèn luyện thêm ở nhà. Đồng thời cung cấp hoặc giới thiệu các địa chỉ trên mạng để học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức.
c) Đối với học sinh học bồi dưỡng:
– Cần phải bồi dưỡng hứng thú và tính tích cực, độc lập nghiên cứu của học sinh. Cách tốt nhất bồi dưỡng hứng thú cho học sinh là hướng dẫn dìu dắt cho các em đạt được những thành công từ thấp lên cao. Nhiều học sinh lúc đầu chưa bộc lộ rõ năng khiếu nhưng sau quá trình được dìu dắt đã trưởng thành rất vững chắc và đạt kết quả tốt.
– Học sinh phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của học tập, yêu thích môn học, say mê trong học tập và ham học hỏi. Ngoài ra học sinh phải cần cù tích luỹ và chăm chỉ rèn luyện, ngoài đọc sách giáo khoa, học sinh cần đọc thêm sách tham khảo và tài liệu khác.
– Khả năng nhận thức, lĩnh hội của mỗi học sinh không giống nhau nên yêu cầu, cách đánh giá của giáo viên đối với học sinh cũng cần có sự linh hoạt để kịp thời động viên, khuyến khích học sinh.
(Tác giả : Thầy Mai Thành Tân - Trường THCS Lam Sơn)