Qua thực tế đứng lớp, tôi nhận thấy hoạt động khởi động có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ tiến trình tiết dạy, đến việc tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. Nhiệm vụ của hoạt động khởi động là khơi gợi hứng thú đối với bài học, và hơn thế nữa, còn khơi dậy niềm đam mê, giúp học sinh có cái nhìn hoàn chỉnh hơn về cuộc sống qua lăng kính văn học, bồi đắp tình yêu lâu bền đối với môn học.
1. Thực trạng học sinh học Ngữ văn hiện nay ở trường:
a. Thuận lợi:
- Về địa phương: mặc dù địa bàn ngoại thành nhưng chính quyền địa phương rất quan tâm, chú trọng đến đầu tư phát triển giáo dục.
- Về nhà trường: ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, quan tâm đến chất lượng giáo dục của các khối. Các đồng nghiệp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.
- Về bản thân: là giáo viên có nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn, luôn quan tâm giúp đỡ các em học sinh.
- Về học sinh: học sinh luôn chú trọng việc học, xem việc học là mục tiêu để xoá dần khoảng cách với học sinh các trường trong trung tâm thành phố đặc biệt là ở ba môn Văn, Toán, Anh.
b. Khó khăn :
- Về địa phương: khu vực nhiều dân nhập cư nên tình hình kinh tế - xã hội rất phức tạp. Tình hình dân trí thấp, dân cư đông , thất nghiệp do dịch covid-19 ngày càng nhiều ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư cho giáo dục.
- Về phía nhà trường - giáo viên.
+ Số học sinh trong một lớp nhiều nên việc các em tập trung vào bài học vẫn còn hạn chế.
+ Áp lực hồ sơ sổ sách và công việc kiêm nhiệm còn nhiều nên giáo viên cũng giảm nhiều thời gian chuẩn bị bài dẫn đến chất lượng các tiết dạy chưa cao.
+ Bản thân đôi khi vẫn chưa áp dụng luân phiên các phương pháp dạy học mới để nâng cao sự hứng thú cho học sinh.
- Về học sinh và phụ huynh học sinh:
+ Học sinh ngày nay tiếp cận sớm với điện thoại nên ngôn ngữ nói và viết rất hạn chế.
+ Các em chán học môn Văn vì môn Văn khô cứng, khó tiếp cận và cảm thụ một cách sâu sắc; Bên cạnh đó học sinh ngày nay thường đi theo xu hướng thích các môn Tin học, Ngoại ngữ, Toán thay cho Văn
+ Một số ít phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, chưa tạo được những điều kiện tốt nhất cho việc học của con.
Những khó khăn đó đã làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dạy – học ở môn Ngữ văn ở địa phương.
2. Một số kinh nghiệm khi sử dụng một số biện pháp tạo hứng thú học môn Ngữ văn cho học sinh thông qua hoạt động khởi động.
a) Đối với giáo viên
– Người giáo viên phải có kiến thức chuyên môn thực sự vững vàng, nắm vững kiến thức trọng tâm của bài học, phương pháp học tập mới phù hợp với đặc trưng bộ môn đặc biệt là ở chương trình giáo dục tổng thể 2018. Để có được điều này thì giáo viên phải thường xuyên tích luỹ kiến thức, học hỏi phương pháp, kinh nghiệm từ đồng nghiệp là những người đi trước, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ bản thân.
– Trong quá trình đứng lớp giáo viên luôn sử dụng các biện pháp khởi động phù hợp với bài học như Khởi động bằng âm nhạc, hình ảnh, phim ngắn; đóng vai văn học; tạo tình huống, trò chơi khởi động…, gần gũi với thực tế để tạo được không khí lớp học sôi nổi, học sinh tích cực tham gia vào việc chiếm lĩnh kiến thức.
- Tạo ra những buổi ngoại khoá văn học để các em phát huy được khả năng cũng như năng khiếu của mình đối với môn học.
b) Đối với học sinh:
– Cần phải bồi dưỡng hứng thú và tính tích cực, độc lập nghiên cứu của học sinh. Tìm ra được phương pháp học tốt nhất đối với môn học, thấy được tầm quan trọng của các kiến thức môn học đối với đời sống.
– Tạo được niềm đam mê đọc sách và đọc một cách có chọn lọc để thấy được các phong cách viết của tác giả, cách vận dụng từ ngữ khéo léo và cái hay cái trong sáng của Tiếng Việt.
– Môn văn vừa là một một khoa học nhưng lại là một môn cần nhiều năng khiếu trong cảm thụ, sáng tạo trong cách viết nên người giáo viên cũng cần khen ngợi đúng cách, khơi gợi được sự hứng thú tích cực cho học sinh trong quá trình học.
( Tác giả: Cô Trần Thị Vân Anh - Trường THCS Lam Sơn)