Danh ngôn có câu “Cuộc sống không phải là tất cả. Còn cần biết sống một cuộc đời không phải vì mình, mà vì mọi người, vì Tổ quốc”. Câu danh ngôn ấy thật ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường dài bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Năm tháng đã đi qua, giữa nắng mưa của cuộc đời hay trong bình yên của cuộc sống, chúng ta vẫn tìm đường trở về quá khứ để thấu hiểu, để tri ân những người không tiếc xương máu vì độc lập, vì tự do của dân tộc.
Hòa chung vào không khí của cả nước nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014) và 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân. Thầy trò chúng ta bằng những lời thơ, bài ca hãy cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của quân đội ta qua các chặng đường lịch sử.
Ngay sau tiếng súng xâm lược của Thực dân Pháp, nhân dân ta từ miền Bắc đến miền Nam nổi dậy cầm vũ khí chống bọn cướp nước và bán nước, không sợ khó khăn, gian khổ sẵn sàng hy sinh thân mình vì nghiệp lớn. Nguyễn Trung Trực trước lưỡi gươm của giặc Pháp đã bình tĩnh trả lời với chúng rằng: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”. Các văn thân sĩ phu và cả những người nông dân mặc áo vải mang trong mình bầu nhiệt huyết cách mạng. Nhưng cách mạng đã không thành công, cách mạng Việt Nam đang trong đêm tối chưa tìm được lối ra, giữa lúc bế tắc và thất bại, nhiều người con Việt Nam đã ra đi tìm đường cứu nước.
Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lênh đênh bốn biển với hai bàn tay trắng, với nỗi cơ cực và gian truân trên con đường Người tìm chân lí cứu nước.
“Một hòn gạch nóng, nung tâm huyết
Mẩu bánh mì con, nuôi chí bền...”
Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chân lí cứu nước, Người tích cực tuyên truyền chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, ngày 03/02/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc - Người đã đưa Đảng đến với nhân dân, đưa nhân dân về với Đảng. Nhà thơ Tố Hữu như reo lên vui mừng khi gặp lí tưởng của Đảng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển. Để đáp ứng yêu cầu lịch sử, chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng anh hùng, dân tộc anh hùng, nhân dân anh hùng đã sản sinh ra quân đội anh hùng, từ trong nhân dân mà ra, từ trong nhân dân mà lớn lên, được nhân dân yêu thương đùm bọc. Sau 1 năm thành lập và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội đã giành thắng lợi vang dội. Cách mạng Tháng tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quân đội ta phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, trưởng thành tiến bộ. Thắng lợi vang dội cách mạng Tháng tám năm 1945, đã thỏa mãn cơn khát ước ao độc lập của dân tộc Việt Nam.
Nhưng ngay sau đó Thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh lại vang lên mạnh mẽ, hùng hồn trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đi theo tiếng gọi của Người, của non sông đất nước, từ miền ngược đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn tất cả quyết tâm nhập ngũ, hừng hực nhiệt huyết đứng lên cứu nước.
Và đó chính là sức mạnh để quân đội ta đi qua cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ chống Thực dân Pháp, viết nên một Điện Biên Phủ đi vào lịch sử dân tộc, một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Ôi! thương mến sao người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ. Không biết bao nhiêu dòng thơ, trang văn viết về họ, có ai quên được họ, bởi không nhiệm vụ nào mà họ không hoàn thành, không khó khăn nào mà họ không vượt qua, không một kẻ thù nào mà họ không đánh bại. Họ là con đẻ của nhân dân, họ là những người nông dân mặc áo lính, từ nước mặn nồng chua mà ra đi, từ đất cày lên sỏi đá, nhưng vẫn biết sống “ngọt ngào”, những người con của một dân tộc giàu truyền thống đã vụt đứng dậy:
“Lột sắt đường tàu làm thêm đao kiếm
Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”
Những người lính thật giản dị, vất vả nhưng anh dũng, gan dạ. Hình ảnh anh La Văn Cầu chặt cánh tay để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh Tô Vĩnh Diện đối mặt với bao nguy hiểm, thậm chí hi sinh cả tính mạng đã lấy thân mình chèn pháo, bảo vệ pháo là góp phần làm nên chiến thắng. Ý chí và lòng căm thù đã tiếp thêm sức mạnh cho các anh, một sức mạnh phi thường để vượt qua gian nan, vất vả.
“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta
lên chiến trường tiếp viện”
Gian khổ vất vả, quân đội ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 vang dội. Thực dân Pháp phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ. Một chiến thắng chấn động địa cầu, trang sử vàng của dân tộc ta lại được ghi thêm một chiến công hiển hách. Chiến thắng đã giải phóng được một nửa đất nước, đưa miền Bắc vào thời kì CNXH, hạnh phúc, đầy tự hào vui sướng.
Miền Bắc tưng bừng bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy chưa thật đầy đủ, chưa thật giàu nhưng đẹp biết bao được sống trong ân tình nghĩa Đảng:
“Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”
Chính lúc này cả dân tộc Việt Nam đang háo hức đón ngày tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Với âm mưu xâm lược, Đế quốc Mĩ đã trắng trợn vi phạm vào độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam, từng bước lấn dần và hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đất nước ta chia cắt hai miền Bắc - Nam.
“Có thể nào yên? Miền Nam ơi máu chảy
Tám năm rồi, sáng dậy giữa bình minh
Tim lại đau nhức nhối nửa thân mình”
Chiến tranh càng lan rộng, càng ác liệt. Từ trong nhân dân mà ra, từ trong nhân dân mà lớn lên, quân đội ta tiếp cuộc trường chinh chống Mĩ cứu nước. Tình cảm yêu nước của “những con tim thương nước” càng được thể hiện một cách mãnh liệt hơn bao giờ hết.
“Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi tổ quốc , nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông”
Theo tiếng gọi của tổ quốc, lớp lớp các anh đã hăng hái lên đường
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”
Các chiến sĩ ấy mang trong mình một niềm tin son sắt vào ngày toàn thắng ắt về ta, mang một lí tưởng cao đẹp, lí tưởng cao đẹp ấy đã giúp họ thành công.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Chính nơi đây đã sản sinh, đã tôi luyện biết bao con người đẹp nhất, những còn người biết yêu thương và căm giận, những con người biết làm nên những trận thắng vẻ vang. Anh Nguyễn Văn Trỗi là hình ảnh đầy sức thuyết phục của tinh thần yêu nước và căm thù giặc, hi sinh cả tuổi thanh xuân, hạnh phúc êm ấm, vì còn giặc Mĩ thì không ai có hạnh phúc. Hình ảnh anh Nguyễn Viết Xuân “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Máu của các anh đã góp phần làm nở hoa độc lập, họ là những bông hoa lừng sắc hương.
Thất bại trên chiến trường miền Nam, Mĩ đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, điên cuồng bắn phá miền Bắc. Lời Bác gọi: dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập.
“Còn non còn nước còn người
Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười năm qua”
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ hiện lên rất đẹp, anh vệ quốc quân giản dị nhưng anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, anh giải phóng quân hiền lành nhưng tung hoành ngang dọc trong chống Mĩ cứu nước.
Những con người dám xem thường cái chết, nữ anh hùng liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chị đã viết: “Con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời cho Tổ quốc”. Vâng, chúng ta không thể nào quên và không bao giờ quên những người con anh hùng như chị. Chị đã dâng tặng cuộc sống của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Trường Sơn ngày ấy, với lớp lớp người vượt Trường Sơn đi đánh giặc Mĩ, vượt Trường Sơn không chỉ vượt núi cao chất ngất, vượt qua bom đạn sấm rền ngày đêm, mà vượt qua bao dòng thác lũ “áo rách bầm da, lằn vai tím thịt, bàn tay mặn máu, chân buốt thấu tim... Nhưng gạo qua, xăng qua, đạn qua, quân qua là bừng dậy chiến công”. Bàn tay con người là ra tất cả và được tất cả.
Hình ảnh anh giải phóng quân đi vào thơ ca của lịch sử dân tộc hiên ngang bất khuất không gì khuất phục được.
“Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời”
Đế quốc Mĩ thất bại liên tục trong các chiến lược chiến tranh, chúng điên cuồng dùng máy bay đánh phá miền Bắc ác liệt. Một thế trận đánh giặc hình thành trong nhân dân: “Chiến tranh nhân dân”, mỗi người dân đều là lính. Giữa lúc nhân dân cả nước đang đẩy mạnh kháng chiến chống Mĩ, ngày 02/09/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của dân tộc, của Đảng ta đã ra đi, đó là những giây phút đau xót, mất mát không gì bù đắp nổi. Trước những đau xót và thương tiếc, quân dân cả nước quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện lời Bác dặn trước lúc ra đi, một khí thế cách mạng hừng hực sôi sục khắp cả nước, 12 ngày đêm quân dân Hà Nội làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, giáng một đòn chí mạng vào sức mạnh không lực Hoa Kì, với sức mạnh áp đảo về cả quân sự và chính trị, nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Cùng với nhân dân cả nước, quân đội ta đã trải qua những chặng đường đầy gian lao, thử thách nhưng cũng đầy thắng lợi vẻ vang, đi qua hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Những người chiến sĩ năm xưa giờ lại có mặt trên mặt trận mới, từ trong tro tàn của chiến tranh họ cùng nhân dân cả nước bắt tay xây dựng CNXH, có người từ bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới vì nhân dân phục vụ. Bắt tay xây dựng một nhà nước XHCN Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Chất lửa truyền thống ấy đã được hun đúc qua hàng ngàn năm, và rực sáng khi đất nước lâm nguy:
“Sóng bể Đông thét gào lời cuồng nộ
Giữ Hoàng Sa, giữ Trường Sa...
Là dải đất lưu truyền từ tiên tổ
Là con cháu giống rồng tiên sao nỡ
Giương mắt nhìn lũ giặc cướp non sông”
Những trang lịch sử vàng chói lọi của dân tộc luôn là động lực, là niềm tự hào, là hành trang của thế hệ trẻ hôm nay trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thân yêu. Và mãi tận xa kia, tận cùng về phí Đông của Tổ quốc Hoàng Sa, Trường Sa - mảnh đất tưởng xa mà thật gần, nơi đó là một phần của cơ thể Việt, da thịt Việt, trái tim Việt không thể tách rời, chia cắt. Ở đó có những con người Việt ngày đêm gìn giữ cho sự trọn vẹn của đất nước.
Lưng tựa núi mắt nhìn hút biển
Tổ quốc rộng dài cho tới tận Trường Sa
Nửa phần đất thiêng liêng hình chữ S
Biển phần kia máu thịt – nước ôm òa
....
Mẹ Âu Cơ sinh Tổ quốc vuông tròn
Con của mẹ ghì cuồng phong giữ đảo
Lấy thân mình che chở dãy Trường Sơn
Đất nước gối một đầu lên cánh sóng
Mùa xuân đang tràn về và hoa bàng vuông lại nở trên Trường Sa. Những cây bàng vuông giống như những người lính tồn tại trẻ trung qua bão tố phong ba.
Qua đó đã giúp chúng ta hình dung phần nào về các cán bộ chiến sĩ và những người dân nơi đảo – những người đã ngày đêm bảo vệ chủ quyền hải đảo biên cương của Tổ quốc, nơi đó có biết bao giấc mơ về cuộc sống bình yên, vùng biển bình yên để biết bao con tàu vượt sóng đại dương.
Và tấm lòng của hàng triệu người con Việt Nam gửi đến những người lính hải quân đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền của đất nước ”Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt. Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời. Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn. Đêm mơ còn nũng nịu gọi, mẹ ơi”. Đó là những lời ca thể hiện tấm lòng của những người con đất liền dành cho Trường Sa với niềm tri ân dành cho những người lính đảo tuổi đôi mươi canh giữ biển trời.
Dù cho ngày đó các em chưa sinh ra, dù các em lớn lên không còn nghe tiếng súng, tiếng bom, nhưng chúng ta cũng đau đớn khi nghĩ về quá khứ của dân tộc, biết bao mồ hôi, máu và nước mắt của chiến sĩ đã đổ xuống, để chiến công nối tiếp chiến công, những hình ảnh ấy sẽ không dễ phai mờ trong tâm hồn của biết bao người Việt Nam. Vậy thầy trò chúng ta hãy tiếp tục thắp sáng ngọn lửa thiêng liêng ấy, hãy viết tiếp bản hùng ca ấy, hãy tự hào là người con mang trong mình dòng máu lạc hồng, và hãy có những hành động thiết thực nhất để vươn tới tương lai tươi sáng.
Hình ảnh hoạt động
Dẫn chương trình cô Lương Thị Mai Hương
Các tiết mục múa hát
Tiết mục tổ Văn-Nhac-Mĩ thuật
Tiết mục văn nghệ của nhóm nam khối 9. Bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"
Tóp ca của GV hát về biển đảo
Tin bài và hình ảnh
cô Lương Thị Mai Hương